Thiền, chánh niệm giúp ích cho chúng ta như thế nào?

Làm thế nào để chúng ta vẫn đảm nhiệm được công việc của mình mà vẫn cân bằng được cuộc sống, tái tạo năng lượng cho ngày làm việc mới? Một trong những cách rất đơn giản đó là thực hành thiền, chánh niệm. Thiền, chánh niệm thuật ngữ tiếng anh là mindfulness, meditation.

Dec 29, 2022 - 21:39
 0  19
Thiền, chánh niệm giúp ích cho chúng ta như thế nào?

Thiền, chánh niệm là gì?

Thực hành thiền, chánh niệm đã tồn tại trên trái đất này hơn 2.500 năm, trải qua rất nhiều thế hệ thiền nhân trong các tu viện, nhưng chỉ mấy chục năm gần đây mới chính thức được đưa vào thành một hoạt động chăm sóc sức khỏe chính thống trong y học và đã được rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học chứng minh vai trò của bộ môn thực hành này.

Thực hành thiền, chánh niệm có thể áp dụng cho tất cả mọi người (từ người khỏe đến người bệnh), trong tất cả môi trường (từ y tế đến đời thường), ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời gian nào …

Có nhiều hình thức thực hành thiền, chánh niệm, một trong những cách đơn giản đưa tâm trí trở về hiện diện với cơ thể trong thời khắc hiện tại. Có thể thực hiện thông qua các bài tập thiền ngồi, thiền đi, thiền nằm, thậm chí các hoạt động bình thường trong ngày hoặc thể dục thể thao ...

Khi đó sẽ giúp cơ thể và tinh thần được thư giãn, tăng khả năng tập trung … Về lâu dài sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng kiểm soát cảm xúc, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cách thực hiện thiền, chánh niệm

Với những người khá bận rộn với công việc, nhiều áp lực, căng thẳng nên hoạt động thiền, chánh niệm. Thiền, chánh niệm ngày nay đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, nó có thể được thực hiện dễ dàng, trong rất nhiều hoàn cảnh.

Một số gợi ý sau:

  • Các bài thiền chính thức: dành thời gian một vài phút cho tới vài chục phút mỗi ngày để thực tập bài thiền đi, thiền ngồi, thiền nằm (buông thư, quét cơ thể) …
  • Lồng ghép trong các hoạt động thể dục thể thao: tập yoga, chạy, bơi, đạp xe tại chỗ …
  • Lồng ghép trong công việc tại cơ quan: những lúc di chuyển tới các vị trí khác nhau, chỉ cần nhớ tới thực hành chánh niệm, quan sát cơ thể, hơi thở, bước chân … biết là mình đang ở hiện tại, biết là mình đang làm việc gì …
  • Trong lúc nằm nghỉ trưa: có thể thực hành bài thiền buông thư, quan sát cơ thể xem cơ thể mình đang có cảm giác gì, đang suy nghĩ gì … chỉ quan sát mà không phán xét đúng hay sai, tốt hay xấu … chỉ đơn giản là quan sát. …
  • Trên đường đi tới cơ quan, hoặc về nhà: tới khi dừng đèn đỏ là lúc có thể thực hành bài tập chánh niệm quan sát hơi thở.
  • Mỗi khi nghe chuông điện thoại: đưa tâm trí trở về với hơi thở, với cơ thể để nhận diện hơi thở, nhận diện cơ thể …
  • Khi trở về nhà: trong lúc nấu cơm, lúc ăn cơm, lúc lau dọn nhà, lúc nói chuyện với con cái, vợ/chồng, lúc tắm, phơi quần áo … tất cả các hoạt động thường ngày chúng ta đều có thể thực hành trong chánh niệm, đơn giản là đưa tâm trí trở về hiện diện với thời khắc hiện tại, nhận biết là mình đang làm gì …

Sống chánh niệm là một lối sống lành, không phải dễ dàng mà chúng ta có thể thành thục được ngay mà phải có một quá trình luyện tập, lâu dài, chỉ cần lưu tâm thực hành, thả lỏng khi luyện tập, không gồng cố, không ép mình… cứ từ từ rồi sẽ đến lúc bạn sẽ gặt hái thành quả…

Bạn có thể đặt lịch dành thời gian cho mình ít phút mỗi ngày để thực hành hoặc đặt chuông chánh niệm (mindful bell) hoặc bạn có thể quy ước bất cứ điều gì quen thuộc để thực hành chánh niệm mỗi khi có cơ hội (gặp một người quen, trên đường đi ra bãi đỗ xe, trước giờ họp giao ban …) để nhắc nhở mình thực hành càng nhiều càng tốt trong suốt cả ngày.

Hành trình vạn dặm vẫn phải bắt đầu bằng những bước đi đầu tiên … Chúc bạn sớm gặt hái được trái ngọt từ bài thực hành đơn giản này!

Theo skđs

Tâm trạng của bạn với nội dung này là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow