Hội Trí tri - một lựa chọn của giới trí thức
Hội Trí tri Bắc Kỳ có tên gọi ban đầu là Hội Tương tế Bắc Kỳ (Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin - SEM) được thành lập ngày 1/4/1892 cho đến năm 1946, vì hoàn cảnh chiến tranh nên chấm dứt hoạt động. Giới trí thức nước nhà đã có nhiều nỗ lực để duy trì và phát triển hội vì mục tiêu “Khai dân trí, chấn dân khí, đào tạo nhân tài".
Khám phá 10 cuốn sách hay nhất mọi thời đại,từ kinh điển đến hiện đại, giúp bạn mở rộng kiến thức và phát triển bản thân. Mua ngay với ưu đãi đặc biệt để sở hữu những tác phẩm tuyệt vời này! |
Khám phá 10 cuốn sách hay nhất mọi thời đại,từ kinh điển đến hiện đại, giúp bạn mở rộng kiến thức và phát triển bản thân. Mua ngay với ưu đãi đặc biệt để sở hữu những tác phẩm tuyệt vời này! |
Từ “Giảng dạy lẫn nhau” đến “Khai dân trí, chân dân khí, đào tạo nhân tài”
Hội Tương tế Bắc Kỳ ra đời ngày 1/4/1892 tại Hà Nội với tư cách là “Hiệp hội miễn phí của cựu học sinh các trường Pháp thuộc Bắc Kỳ” nhằm mục tiêu “giảng dạy lẫn nhau”, “mạnh hơn dạy cho yếu hơn”. Trụ sở ban đầu của hội ở phố Lãn Ông, trong một căn nhà mượn tạm, đến năm 1896 được Tòa Đốc lý cấp đất cho xây trụ sở mới ở số 59 Rue des Eventails (Hàng Đàn), nay là 47 phố Hàng Quạt.
Thành phần hội viên của hội khá phong phú, không chỉ có các cựu sinh viên mà còn có cả các quan chức, người Việt và người Pháp. Theo điều lệ, hội có hội viên sáng lập; hội viên thông thường, gồm những ai đăng ký vào hội (và đóng tiền theo quy định); hội viên danh dự là những người được bầu bởi phiên họp toàn thể của hội. Ngoài ra còn có các hội viên làm phước, những người ủng hộ hội nhiều tiền.
Hội Trí tri nhận được sự bảo trợ của Hiệp hội Bách khoa Paris. Thành viên Ủy ban bảo trợ gồm nhiều quan chức trong chính quyền thuộc địa ở Đông Dương như Khâm sứ Lào; Công sứ - Đốc lý Hải Phòng; Giám đốc các Văn phòng phủ Thống sứ Bắc Kỳ; Giám đốc nha Học chính, Tổng Thanh tra Học chính, Giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện; Chánh Sở Học chính Bắc Kỳ... Các Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, Paul Beau, A.Piquié, A.Sarraut, M.Long, M.Monguillot, R.Robin, A.Varenne và P.Pasquier là thành viên danh dự của hội.
Năm 1921, số lượng thành viên chính thức đã trả tiền đăng ký và thực sự tham gia vào các hoạt động của hội được thống kê đã tăng từ 20 (vào cuối năm 1892) lên 83 (năm 1896); 478 (năm 1900); 461 (năm 1904); 500 (vào năm 1908) và 582 (vào năm 1912). Và từ năm 1900, hội có khoảng 500 thành viên chính thức cư trú tại Hà Nội và tổng số thành viên chính thức xấp xỉ 1.000 người trên lãnh thổ Bắc Kỳ...
Ban đầu, Hội Trí tri Bắc Kỳ là một tổ chức có tính chất xã hội dân sự, tự phát, tự nguyện của các cựu sinh viên nhưng cùng với sự phát triển, đến cuối những năm 1910, đầu những năm 1920, nó đã trở thành một tổ chức hoàn toàn mới về mặt tổ chức. Hội hoạt động dưới sự ủy quyền của Thống sứ Bắc Kỳ và được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đốc lý Hà Nội. Hoạt động của Hội được thường xuyên hơn nhờ trợ cấp của cả Toàn quyền Đông Dương, sự đóng góp của học sinh và các thành viên.
Chương trình hoạt động của hội khá phong phú. Đó là mở trường học và lớp dạy tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ cho trẻ em và người lớn bản xứ nhằm nâng cao dân trí. Từ năm 1896, các lớp học ban ngày cho trẻ em được thành lập, hoạt động như một trường tư thục cung cấp các bài học theo chương trình chính thức và chuẩn bị cho thi lấy Chứng chỉ Tiểu học bản xứ và Chứng chỉ Tiểu học Pháp - Việt. Đối với các khóa học buổi tối, các khóa học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp hoặc toán học đều được miễn phí. Các trường này phát triển nhanh chóng và dần trở nên phổ biến hơn sau năm 1908.
Ngoài ra, nhờ có Ủy ban Bảo trợ hỗ trợ, kể từ ngày 1/5/1897, hội tổ chức các khóa học miễn phí khác như các khóa học tốc ký và kế toán thương mại, các khóa học chuẩn bị cho các cuộc thi…; Các khóa học về các môn khoa học tự nhiên như hóa học, số học, hình học…, các môn học về luật, lịch sử, địa lý, vệ sinh phổ biến…
Hai tháng một lần, Hội tổ chức các buổi diễn thuyết về nhiều chủ đề: văn học, khoa học, địa lý, lịch sử, thể dục, vệ sinh... Từ những năm 1920 cho đến năm 1945, các buổi diễn thuyết công khai được tổ chức vào thứ Năm hàng tuần với các chủ đề khác nhau như phổ biến khoa học; văn hóa, văn học Pháp; lịch sử và văn học Việt Nam… Nhiều học giả và trí thức nổi tiếng, người Pháp và người Việt, đến diễn thuyết tại trụ sở của Hội, một số buổi diễn thuyết đã thu hút tới 500 người, thậm chí có buổi còn nhiều hơn.
Hội tổ chức dịch ra chữ quốc ngữ các tư liệu về khoa học, các tác phẩm cổ của Việt Nam và Trung Quốc sang tiếng Pháp; dịch các tác phẩm cổ điển của Pháp sang tiếng Việt. Từ năm 1921, hội còn xuất bản Tập san Trí tri để đưa tin về các hoạt động của Hội; đăng các bài viết về chủ đề lịch sử, địa lý, văn học và khoa học. Ngoài ra Hội còn lập thư viện để phục vụ hội viên, gồm nhật báo và tạp chí địa phương, bằng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ và một số ấn phẩm định kỳ của Pháp như Illustration, Annales, Lectures pour tous.
Không phủ nhận sở dĩ người Pháp từ đầu đã chấp nhận và bảo trợ cho Hội Trí tri vì họ muốn thông qua hội này để đào tạo đội ngũ viên chức người Việt cho chính quyền thuộc địa mới được thiết lập ở Bắc Kỳ.
Tuy nhiên, hội ra đời là do chủ kiến của các cựu sinh viên và các trí thức tân học, các trí thức cựu học có tư tưởng duy tân. Mục tiêu ban đầu là hỗ trợ học tiếng Pháp cho người bản xứ. Nhưng, trải qua một quá trình tồn tại và phát triển, mục tiêu này đã dần dần thay đổi, hướng tới sự nghiệp “Khai dân trí, chân dân khí, đào tạo nhân tài”.
Vậy là, tự trong nó đã có sự chuyển hóa theo mục đích to lớn hơn, cao cả hơn, đó là duy tân nền giáo dục và văn hóa nước nhà. Đối tượng mà họ hướng tới không chỉ là những người đang học tiếng Pháp nữa mà là cả một hệ thống giáo dục rộng rãi cho dân chúng theo hướng hiện đại, tiến bộ. Việc hội kết hợp với các yếu nhân của Đông Kinh nghĩa thục tổ chức diễn thuyết, dạy học là một dẫn chứng thuyết phục về xu thế này. Và cũng hoàn toàn dễ hiểu khi nhiều yếu nhân của Hội Trí tri cũng là thành viên của Hội Khai Trí tiến đức như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Thân Trọng Huề, Nguyễn Văn Vĩnh…, và cả Hội Truyền bá Quốc ngữ sau đó nữa như Nguyễn Văn Tố.
Sự lựa chọn của giới trí thức
Sự chuyển hóa đó là nỗ lực của giới trí thức, bao gồm trí thức tân học và trí thức cựu học có tư tưởng duy tân.
Danh sách sáng lập viên của hội có Nordemann (giáo viên tiểu học, sau này là Chánh Sở Học chính Trung Kỳ); Lê Đình Tĩnh, Bùi Xuân Thái, Bùi Thế Xuân (thông ngôn Tòa Đốc lý Hà Nội); Nguyễn Hữu Long (thông ngôn, lục sự phủ Thống sứ Bắc Kỳ); Nguyễn Hữu Sung (cựu thư ký Nha Công chính); Trần Hữu Đức, Phạm Văn Hữu, Phạm Quang Lãng, Đặng Văn Mỹ và Bùi Xuân Phái (giáo viên tiểu học).
Hội trưởng của hội từ khi thành lập đến năm 1946 gồm: E.Nordemann (1892); Đặng Văn Mỹ (1893); Bùi Xuân Thái (1894 -1895); Phạm Xuân Tuyết (1896); Bùi Đình Tá (1897 - 1905); Nguyễn Liên (1906 - 1911); Bùi Huy Độ (1912); Bùi Đình Thinh (1915); Bùi Đình Tá (1916 - 1919); Đào Văn Sử (1920); Nguyễn Quý Toản (1921 - 1923); Phạm Quỳnh (1924 - 1927); Ngô Vi Liễn (1928 - 1933); Nguyễn Văn Tố (1934 - 1946). Đó là các trí thức, dù xuất thân là Nho học hay tân học, nhưng đều có tư tưởng duy tân.
Chỉ nhìn vào hành trạng của hai vị Hội trưởng là Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Tố cũng có thể biết được xu thế hoạt động của hội. Hai vị là trí thức tiêu biểu của Bắc Kỳ và cả nước về tri thức và tư tưởng, nhiệt thành với sự nghiệp truyền bá Quốc ngữ, xây dựng nền Quốc văn mới.
Trong tình thế nước đôi, một bên là sự đòi hỏi của chính quyền thuộc địa nhằm đào tạo một đội ngũ viên chức cho chính quyền; một bên là nhu cầu đổi mới nền văn hóa, giáo dục, canh tân đất nước, Hội Trí tri đã lựa chọn cho mình một thế tồn tại uyển chuyển nhưng vững chắc để thực hiện tôn chỉ mục đích của mình.
Hội vừa phổ biến các giá trị tiến bộ của văn hóa, khoa học phương Tây, vừa nỗ lực xây dựng nền giáo dục Quốc ngữ, nền Quốc văn mới để hướng đến canh tân đất nước. Sự cân đối hài hòa giữa Đông và Tây, tiếng Pháp và Quốc ngữ cho tiến bộ văn hóa và giáo dục đã tạo nên tư thế đó của hội.
Hội Trí tri đã tồn tại lâu dài nhất trong số các tổ chức thành lập từ thời Pháp thuộc. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hội Trí tri vẫn được phép tiếp tục hoạt động theo Sắc lệnh số 52 ngày 22/4/1946 và theo Nghị định ngày 28/5/1946 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ký. Điều đó không phải là ngẫu nhiên.
Theo kinhtedothi
Tâm trạng của bạn với nội dung này là gì?