Thường Bất Khinh Bồ Tát: Tôn Trọng và Kiên Trì Trong Đạo Hạnh
Thường Bất Khinh Bồ Tát (tiếng Phạn: Sadāparibhūta Bodhisattva) là một trong những vị Bồ Tát nổi tiếng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt được nhắc đến trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Pháp Hoa Kinh). Ngài nổi tiếng với hạnh nguyện không khinh rẻ bất kỳ ai và luôn tôn trọng, kính trọng mọi người như những vị Phật tương lai.
Khám phá 10 cuốn sách hay nhất mọi thời đại,từ kinh điển đến hiện đại, giúp bạn mở rộng kiến thức và phát triển bản thân. Mua ngay với ưu đãi đặc biệt để sở hữu những tác phẩm tuyệt vời này! |
Khám phá 10 cuốn sách hay nhất mọi thời đại,từ kinh điển đến hiện đại, giúp bạn mở rộng kiến thức và phát triển bản thân. Mua ngay với ưu đãi đặc biệt để sở hữu những tác phẩm tuyệt vời này! |
Cuộc Đời và Hạnh Nguyện
Cuộc Đời
Theo Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thường Bất Khinh Bồ Tát sống vào thời đại của một Đức Phật quá khứ, Đức Phật Uy Âm Vương. Ngài là một vị Tỳ-kheo nhưng không giảng dạy nhiều giáo lý, thay vào đó, Ngài chỉ thực hiện một hạnh duy nhất: không khinh rẻ bất kỳ ai.
Hạnh Nguyện
Hạnh nguyện chính của Thường Bất Khinh Bồ Tát là luôn tôn trọng và kính trọng mọi người. Ngài thường đi khắp nơi, gặp gỡ mọi người và chắp tay kính cẩn nói: "Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài đều sẽ thành Phật". Dù bị nhiều người khinh thường, chế giễu, thậm chí đánh đập, Ngài vẫn kiên trì với hạnh nguyện của mình, không hề oán giận hay phản kháng.
Ý Nghĩa và Tầm Quan Trọng
Tôn Trọng Tất Cả Chúng Sinh
Hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ Tát nhấn mạnh sự tôn trọng và kính trọng tất cả chúng sinh, bất kể họ là ai hay đang ở trong tình trạng nào. Ngài nhìn thấy tiềm năng thành Phật trong mỗi người và nhắc nhở chúng ta về phẩm giá và khả năng giác ngộ của tất cả chúng sinh.
Khả Năng Thành Phật
Qua hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ Tát, chúng ta được nhắc nhở rằng tất cả chúng sinh đều có khả năng trở thành Phật. Điều này khuyến khích sự tôn trọng và lòng từ bi đối với mọi người, khơi dậy niềm tin vào khả năng tự giác ngộ và giác ngộ người khác.
Kiên Trì Trong Đạo Hạnh
Thường Bất Khinh Bồ Tát cũng dạy chúng ta về sự kiên trì trong đạo hạnh. Dù gặp nhiều khó khăn, chế giễu và bạo lực, Ngài vẫn không từ bỏ hạnh nguyện của mình. Sự kiên trì này là một tấm gương sáng cho những người tu hành, khuyến khích chúng ta tiếp tục theo đuổi con đường tu tập và hành đạo dù gặp nhiều thử thách.
Trích Dẫn Kinh Điển
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Pháp Hoa Kinh)
Thường Bất Khinh Bồ Tát được nhắc đến chi tiết trong Phẩm Thường Bất Khinh (Phẩm 20) của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Trong phẩm này, Đức Phật kể về hạnh nguyện và cuộc đời của Thường Bất Khinh Bồ Tát, nhấn mạnh ý nghĩa của việc tôn trọng và kính trọng tất cả chúng sinh.
Một Số Trích Dẫn
- "Khi đó, Thường Bất Khinh Bồ Tát, đối với những người đến gần Ngài, đều chắp tay cung kính và nói: 'Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài đều sẽ thành Phật.'"
- "Dù bị chế giễu và đánh đập, Ngài vẫn không sinh tâm oán hận, mà luôn kiên trì với hạnh nguyện của mình."
Ứng Dụng Thực Tiễn
Tôn Trọng và Kính Trọng Mọi Người
Chúng ta có thể học theo hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ Tát bằng cách luôn tôn trọng và kính trọng mọi người. Dù họ có thể hiện ra sao, chúng ta nên nhớ rằng họ đều có khả năng thành Phật.
Phát Triển Lòng Từ Bi
Hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ Tát cũng giúp chúng ta phát triển lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh. Bằng cách nhìn thấy tiềm năng tốt đẹp trong mỗi người, chúng ta có thể đối xử với họ bằng tình thương và lòng từ bi.
Kiên Trì Trong Tu Tập
Học theo sự kiên trì của Thường Bất Khinh Bồ Tát, chúng ta nên kiên trì trong tu tập và hành đạo, dù gặp nhiều khó khăn và thử thách. Sự kiên trì này sẽ giúp chúng ta tiến bộ trên con đường tu hành và đạt đến giác ngộ.
Tóm lược
Thường Bất Khinh Bồ Tát là một vị Bồ Tát nổi tiếng với hạnh nguyện không khinh rẻ bất kỳ ai và luôn tôn trọng, kính trọng mọi người như những vị Phật tương lai. Hạnh nguyện và cuộc đời của Ngài là một bài học quý giá cho chúng ta về tôn trọng, từ bi và kiên trì trong tu tập. Hãy học theo tấm gương của Thường Bất Khinh Bồ Tát để phát triển đạo hạnh và đạt đến giác ngộ.
Kinh Pháp Hoa - Phẩm Thường Bất Khinh
TÂM NHƯ - TRÍ THỦ TOÀN TẬP
Hoà Thượng Thích Trí Thủ
KINH PHÁP HOA
PHẨM THƯỜNG BẤT KHINH
Lúc ấy, Phật dạy Đắc đại thế Bồ tát: Ông nên hiểu nếu tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di thọ trì kinh Pháp hoa mà ai độc miệng mắng nhiếc, công kích thì kẻ ấy bị những tội báo khủng khiếp như ta đã nói ở trước. Còn công đức của người thọ trì thì cũng như trước ta đã nói, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý sáu căn đều được thanh tịnh.
Đắc Đại Thế! Quá khứ cách nay những kiếp số nhiều đến nỗi không thể nghĩ và nói, có đức Phật hiệu Oai Âm Vương đầy đủ mười danh hiệu là Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, tôn xưng Thế tôn. Thời kỳ ngài gọi là Thoát ly suy biến, nước ngài xuất hiện là Đại Thành. Lúc ấy đức Phật Oai Âm Vương thuyết pháp cho loài người, những loài trên loài người như chư thiên và những loài dưới loài người như quỷ thần, bằng cách ai muốn cầu đạo thanh văn thì ngài dạy cho bốn chân lý giải thoát sanh lão bệnh tử, cứu cánh niết bàn; ai muốn cầu đạo quả duyên giác thì ngài dạy cho mười hai nguyên lý nhân duyên; còn đối với các vị bồ tát thì nhân vô thượng bồ đề mà nói sáu ba la mật, hoàn thành tuệ giác Phật đà.
Đắc Đại Thế! Đức Phật Oai Âm Vương sống lâu với những kiếp số bằng số cát của bốn mươi vạn sông Hằng, chánh pháp của ngài tồn tại với những kiếp số bằng số vi trần của một cõi Diêm phù, tượng pháp của ngài tồn tại với những kiếp số bằng số vi trần của bốn châu thiên hạ. Đức Phật Oai Âm Vương làm lợi ích cho chúng sanh rồi mới diệt độ, và khi chánh pháp cũng như tượng pháp của ngài chấm dứt, thế giới hệ này lại có đức Phật xuất hiện cũng hiệu Oai Âm Vương và đầy đủ mười danh hiệu là Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, tôn xưng Thế tôn. ( ). Cứ như vậy, tuần tự có đến hai vạn ức đức Phật xuất hiện, cùng một danh hiệu.
Đức Phật Oai Âm Vương đầu tiên, khi diệt độ và chánh pháp của ngài chấm dứt, trong thời tượng pháp những kẻ tỷ kheo có tánh tăng thượng mạn rất có thế lực. Lúc bấy giờ có một vị tỷ kheo Bồ tát tên là Thường Bất Khinh. Đắc Đại Thế! Tại sao tên Thường Bất Khinh? Là vì vị tỷ kheo ấy, hễ thấy ai, không kể tỷ kheo, tỷ kheo ni, hay ưu bà tắc, ưu bà di, đều thi lễ ca tụng, nói rằng tôi thâm kính các người, không dám khinh thị. Tại sao như thế? Vì Các người ai cũng có thể thực hành bồ tát hạnh và đều sẽ thành Phật.
Vị Tỷ kheo Thường không chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ thực hành sự thi lễ như vậy, đến nỗi dầu thấy những người đằng xa, không kể tỷ kheo, tỷ kheo ni, hay ưu bà tắc, ưu bà di, đều cố đến mà thi lễ, ca tụng, thưa rằng Tôi không dám khinh các người, các người ai cũng sẽ làm Phật. Trong số người nghe, có kẻ nổi giận, tâm trí nhơ bẩn, độc miệng mắng nhiếc, rằng cái ông tỳ kheo ngu xuẩn này, ở đâu đến đây không ai bảo mà cũng nói tôi không dám khinh thị các người, và quyết đoán cho chúng ta rằng sẽ làm Phật; chúng ta không cần đến sự quyết đoán viễn vông như vậy.
Mặc dù trải qua nhiều năm, thường bị mắng nhiếc như vậy, mà lòng không giận dữ, ngài Thường Bất Khinh vẫn luôn luôn nói rằng Các người sẽ làm Phật. Khi nói như vậy, có kẻ đánh bằng gậy gộc, ném bằng ngói đá, ngài chạy tránh đứng xa, vẫn lớn tiếng nói rằng Tôi không dám khinh thị các người, các người ai cũng sẽ làm Phật. Vì ngài thường nói nên những kẻ tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu ba di có tánh tăng thượng mạn gọi ngài là Thường Bất Khinh.
Vị tỷ kheo Bồ tát Thường Bất Khinh ấy, khi gần mất, được nghe trọn kinh Pháp Hoa mà đức Phật Oai Âm Vương đầu tiên đã diễn thuyết, gồm có hai mươi ngàn vạn ức bài kệ ( ). Nghe rồi ngài thọ trì được cả. Do đó mà sáu căn nhãn, nhĩ tỷ thiệt thân ý đều được thanh tịnh như ta đã nói ở trước. Được sự thanh tịnh của sáu căn rồi tăng thêm tuổi thọ đến hai trăm vạn ức năm một cách rộng rãi, ngài vì mọi người thuyết pháp kinh Pháp Hoa ấy. Lúc ấy những kẻ tăng thượng mạn trong hàng tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di đã khinh thị ngài và gọi ngài là Thường Bất Khinh, thấy ngài được năng lực đại thần thông, năng lực nhạo thuyết biện, năng lực đại thiện tịch, nên nghe sự giảng giải kinh Pháp Hoa của ngài, tất cả đều tín phục tùy thuận.
Vị tỷ kheo Bồ tát ấy lại giáo hóa cho ngàn vạn ức người khác, làm cho họ an trú vô thượng bồ đề nên sau khi mất ngài lại gặp được hai ngàn ức đức Phật cùng một danh hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh, và ở trong thời chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp ( ) của các đức Phật ấy, ngài đều giảng giải kinh Pháp Hoa. Nhờ vậy mà lại gặp được hai ngàn ức đức Phật cùng danh hiệu Vân Tự Tại Đăng Vương. Trong thời chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp của các đức Phật ấy, ngài Thường Bất Khinh vẫn thọ trì, đọc tụng và giảng giải cho tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di kinh Pháp Hoa này, do đó mà được thanh tịnh của sáu căn bình thường ( ), thuyết pháp cho tứ chúng tâm không còn e sợ. Đắc Đại Thế! Ngài Thường Bất Khinh đại sĩ phụng sự cho bao nhiêu đức Phật đó, cung kính, trân trọng, ca tụng và gieo trồng gốc rễ thiện pháp, nên sau đó lại được gặp ngàn vạn ức đức Phật nữa và trong thời chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp của các đức Phật này cũng giảng giải kinh Pháp Hoa, công đức thành tựu, sẽ thành Phật.
Đắc đại thế! Ông nghĩ sao, Bồ tát Thường Bất Khinh lúc bấy giờ có phải ai khác đâu, mà chính là ta đây. Nếu đời trước ta không thọ trì đọc tụng và giảng giải cho người khác kinh Pháp Hoa này thì ta không thể hoàn thành mau chóng vô thượng bồ đề. Vì nơi các đức Phật quá khứ, ta đã thọ trì đọc tụng và giảng giải cho người kinh Pháp Hoa nên hoàn thành mau chóng vô thượng bồ đề ấy.
Đắc Đại Thế! Lúc bấy giờ trong tứ chúng tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, những kẻ vì giận dữ mà khinh dễ ta thì tuy đến hai trăm ức kiếp họ không gặp Phật, không nghe pháp, không thấy tăng, ngàn kiếp chịu sự khổ sở khủng khiếp trong vô gián địa ngục, nhưng hết tội báo ấy rồi, họ lại được gặp Bồ tát Thường Bất Khinh và được ngài giáo hóa cho pháp vô thượng bồ đề. Đắc Đại Thế! Ông nghĩ sao, những kẻ trong tứ chúng khinh thị Bồ tát Thường Bất Khinh lúc ấy có phải ai khác đâu, chính là những người hiện diện trong pháp hội này, tức năm trăm bồ tát như ông Bạt đà la vân vân, năm trăm tỷ kheo như ông Sư tử nguyệt vân vân, năm trăm ưu bà tắc như ông Ni tư phật vân vân, đều là những kẻ ngày nay đã được bất thoái chuyển đối với vô thượng bồ đề.
Đắc Đại Thế! Ông nên hiểu rằng kinh Pháp Hoa này rất ích lợi cho các vị Bồ tát đại sĩ, có năng lực làm cho họ đạt đến vô thượng bồ đề. Vì lí do ấy mà sau khi ta diệt độ, các vị Bồ tát đại sĩ nên luôn luôn thọ trì, đọc tụng, giảng giải và viết chép kinh Pháp Hoa.
Bấy giờ đức Thế Tôn muốn trình bày lại ý nghĩa đã dạy nên nói bài kệ ( ) sau đây:
Quá khứ có đức Phật
Danh hiệu Oai Âm Vương
Thần thông và trí tuệ
Tất cả đều vô lượng.
Giáo hóa và dắt dẫn
Tất cả các chúng sanh
Nhân, thiên và long thần
Hết thảy đều phụng sự.
Khi Phật ấy diệt độ
Và chánh pháp chấm hết, ( )
Thì có một Bồ tát
Danh hiệu Thường Bất Khinh.
Bấy giờ trong tứ chúng,
Những kẻ nặng pháp chấp ( )
Bồ tát Thường Bất Khinh
Tìm đến chỗ của họ
Và nói với họ rằng
Tôi không dám khinh người,
Vì tất cả các người
Ai cũng có khả năng
Thực hành hạnh bồ tát
Và đều sẽ làm Phật.
Những người nghe nói thế
Có kẻ khinh mà mắng;
Nhưng ngài Thường Bất Khinh
Nhẫn nhục và chịu đựng.
Khi tội báo trả hết,
Sự sống sắp kết thúc,
Ngài được nghe kinh này,
Sáu căn đều thanh tịnh.
Do năng lực thần thông,
Kéo dài thêm sự sống,
Nên lại nói kinh này
Cho hết thảy mọi người.
Những kẻ pháp chấp trước
Cũng nhờ ngài tác thành
Mà được an trú nơi
Vô thượng giác của Phật
Sau khi ngài mạng chung,
Được gặp vô số Phật,
Vẫn đem nói kinh này
Nên được vô lượng phước,
Dần dần đủ công đức
Mau chóng thành Phật đạo ( )
Thường Bất Khinh lúc ấy
Chính là thân ta đây;
Còn những kẻ pháp chấp
Trong tứ chúng lúc ấy
Nghe Thường Bất Khinh nói
Các người sẽ làm Phật,
Nhờ cái nhân duyên ấy,
Được gặp vô số Phật;
Nay trong pháp hội này
Năm trăm bồ tát chúng
Cùng với bốn bộ chúng,
Thiện nam và tín nữ
Nghe pháp trước mặt ta,
Là hàng pháp chấp ấy.
Ta trong thời quá khứ
Từng khuyến hóa mọi người
Nên kính thọ kinh này,
Là kinh pháp vô thượng.
Muốn giáo hóa mọi người
An trú nơi niết bàn
Thì đời đời thọ trì
Kinh điển Pháp Hoa ấy.
Trải qua vạn ức kiếp
Lâu đến không thể nghĩ,
Có lúc mới được nghe
Kinh điển Pháp Hoa này.
Cũng đến vạn ức kiếp
Lâu xa không thể nghĩ,
Chư Phật mới có lúc
Nói kinh Pháp Hoa này.
Vì vậy người tu hành
Sau khi Phật diệt độ
Được nghe kinh Pháp Hoa
Lòng đừng sinh nghi hoặc.
Cần phải chuyên một lòng
Đem kinh này truyền bá,
Thì đời đời gặp Phật
Mau chóng thành Phật đạo.
Files
Tâm trạng của bạn với nội dung này là gì?