Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp Lực Trong Đạo Phật

Trong giáo lý Phật giáo, nghiệp lực (karma) là một khái niệm quan trọng, thể hiện quy luật nhân quả, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hiện tại và tương lai của mỗi chúng sinh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy về nghiệp lực và quy luật vận hành của nó, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách hành động và hệ quả của những hành động đó.

Jul 13, 2024 - 11:30
 0  58
Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp Lực Trong Đạo Phật
: :
playing
playing

Khám phá 10 cuốn sách hay nhất mọi thời đại,từ kinh điển đến hiện đại, giúp bạn mở rộng kiến thức và phát triển bản thân. Mua ngay với ưu đãi đặc biệt để sở hữu những tác phẩm tuyệt vời này!

Khám phá 10 cuốn sách hay nhất mọi thời đại,từ kinh điển đến hiện đại, giúp bạn mở rộng kiến thức và phát triển bản thân. Mua ngay với ưu đãi đặc biệt để sở hữu những tác phẩm tuyệt vời này!

Khái Niệm Về Nghiệp Lực

Nghiệp (Karma)

Nghiệp là hành động có ý thức, bao gồm cả hành động về thân, khẩu và ý. Mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ đều tạo ra nghiệp và tích tụ lại trong tâm thức của chúng sinh.

  • Thân Nghiệp: Hành động bằng thân thể (ví dụ: sát sinh, cứu giúp người khác).
  • Khẩu Nghiệp: Hành động bằng lời nói (ví dụ: nói dối, nói lời chân thật).
  • Ý Nghiệp: Hành động bằng ý nghĩ (ví dụ: suy nghĩ xấu, suy nghĩ thiện).

Nghiệp Lực (Karmic Force)

Nghiệp lực là năng lượng sinh ra từ nghiệp, ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và tương lai. Nghiệp lực có thể dẫn dắt chúng sinh trải qua các cảnh giới khác nhau trong vòng luân hồi (samsara).

Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp Lực

Nhân Quả (Cause and Effect)

  • Nhân: Nguyên nhân, hành động tạo ra nghiệp.
  • Quả: Kết quả, hậu quả của nghiệp.

Mọi hành động đều có nguyên nhân và sẽ tạo ra kết quả tương ứng. Hành động thiện sẽ mang lại kết quả tốt, hành động ác sẽ mang lại kết quả xấu. Đây là quy luật nhân quả, không thể tránh khỏi và chi phối mọi chúng sinh.

Tích Lũy Nghiệp (Accumulation of Karma)

Nghiệp tích lũy dần theo thời gian và có thể chín muồi ngay trong đời này hoặc đời sau. Nghiệp có thể phân thành ba loại chính:

  1. Hiện Báo Nghiệp (Karma Ripening in the Present Life): Nghiệp chín muồi và mang lại kết quả ngay trong đời hiện tại.
  2. Sanh Báo Nghiệp (Karma Ripening in the Next Life): Nghiệp chín muồi và mang lại kết quả trong đời sau.
  3. Hậu Báo Nghiệp (Karma Ripening in Future Lives): Nghiệp chín muồi và mang lại kết quả trong nhiều đời sau nữa.

Tác Động Của Nghiệp (Impact of Karma)

Nghiệp ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, từ hoàn cảnh sinh sống, sức khỏe, hạnh phúc đến các mối quan hệ. Những hành động thiện và ác đều tạo ra năng lượng tích cực hoặc tiêu cực, dẫn đến những trải nghiệm tương ứng trong cuộc sống.

Quy Luật Nghiệp Lực Trong Kinh Điển Phật Giáo

Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya)

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật giảng dạy: "Này các Tỳ-kheo, có tám sự bố thí của bậc chân nhân. Thế nào là tám? Cho vật trong sạch; cho vật thù diệu; cho đúng thời; cho vật thích ứng; cho với sự cẩn thận; cho luôn luôn; khi cho tâm tịnh tín; sau khi cho tâm luôn hoan hỷ".

Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya)

Trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật giải thích về 12 Nhân Duyên, một chuỗi các yếu tố nhân quả liên kết với nhau, dẫn dắt chúng sinh trong vòng luân hồi. Vô minh dẫn đến hành, hành dẫn đến thức, thức dẫn đến danh sắc, và cứ thế tiếp diễn cho đến lão tử.

Cách Thực Hành Để Quản Lý Nghiệp Lực

  1. Phát Triển Chánh Niệm (Mindfulness): Chánh niệm giúp nhận diện và kiểm soát hành động, lời nói và ý nghĩ, tránh tạo nghiệp xấu.
  2. Giữ Giới (Morality): Tuân thủ các giới luật để giữ gìn sự thanh tịnh và tạo ra nghiệp tốt.
  3. Thiền Định (Meditation): Thiền định giúp tâm trí tĩnh lặng, loại bỏ các ý nghĩ xấu và phát triển trí tuệ.
  4. Từ Bi (Compassion): Phát triển lòng từ bi, thực hành bố thí và giúp đỡ người khác để tạo nghiệp thiện.

Tóm lược lại là

Quy luật vận hành của nghiệp lực trong Đạo Phật là một hệ thống nhân quả chi tiết, giải thích cách mà hành động của chúng ta ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và tương lai. Hiểu rõ và thực hành theo quy luật này giúp chúng ta sống đạo đức, phát triển trí tuệ và đạt đến sự an lạc và giải thoát.

Đọc thêm: 12 Nhân Duyên Trong Đạo Phật


Chương Iii: Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp

CHÁNH KIẾN VÀ NGHIỆP 
Tác giả: Ledi Sayadaw và nhiều Tác giả khác 
Dịch giả: Pháp Thông

CHƯƠNG III:

QUY LUẬT VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

NGHIỆP VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO? - Sayadaw U Sìlananda

Nghiệp là gì? Đức Phật tuyên bố: “Này các Tỳ Khưu, chính ý chí (tư tâm sở - cetana, 1 trong 52 tâm sở có mặt trong tất cả các tâm) ta gọi là nghiệp.”

Nghiệp, theo nghĩa phổ thông, là hành động hay việc làm, song như một thuật ngữ, nghiệp có nghĩa là ý chí hay ý lực. Khi bạn làm một điều gì, ý chí nằm đằng sau hành động ấy, và chính ý chí hay ý lực này được gọi là nghiệp. Điều này đã được đức Phật giải thích rằng, do có ước muốn làm, lúc đó người ta mới hành động qua thân, qua lời nói, và qua tâm ý. Bất luận bạn làm điều gì, đều có một loại nghiệp nào đó, tức là phải có một ý lực, ý chí, và ý hành nào đó. Ở đây ý chí hay tư là một trong năm mươi hai tâm sở cùng sanh với tâm.

Khi bạn làm một việc gì, chẳng hạn cúng dường hương hoa đến Đức Phật, phải có ý chí thúc đẩy bạn làm, và ý chí đó được gọi là nghiệp. Vì thế nghiệp là nhân chứ không phải là quả. Có một số người cho rằng nghiệp là nhân, là hành động và đồng thời cũng là quả. Tuy nhiên trong đạo Phật Nguyên-thủy, nghiệp chẳng bao giờ là quả hay kết quả cả. Nghiệp chỉ có nghĩa là nhân mà thôi.

Nghiệp thuộc về danh uẩn. Chúng ta biết có năm uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Tư hay ý chí thuộc về hành uẩn. Hành uẩn là danh (phần tinh thần), và cũng như các tâm sở khác, nó chỉ kéo dài một sát-na ngắn ngủi. Nó xuất hiện, dừng lại một chút, rồi diệt. Nhưng tư hay ý hành không giống với các tâm sở khác ở chỗ nó có khả năng để lại một tiềm lực nào đó. Khi nó diệt, nó không biến mất hoàn toàn. Nó để lại một sức mạnh hay tiềm lực để cho ra quả, khi những cơ hội thuận tiện cho quả ấy xuất hiện. Một người làm nghiệp ở đời này, nhưng kết quả có thể xảy ra hoặc đời này hoặc đời kế, có khi ở một đời nào đó sau đời kế không chừng.

Nghiệp hay ý chí (tư) có tiềm lực cho quả, và tiềm lực này là một năng lực rất lớn. Nghiệp không chấm dứt cùng với cái chết (thể xác) của đời này; nó cứ tiếp tục  tiếp tục mãi. Thế nhưng chúng ta không thể nói rằng nghiệp được chứa ở đâu trong thân hay tâm của chúng ta  mọi vật đều vô thường và thay đổi liên tục. Nghiệp cũng vô thường và biến diệt như vậy, nhưng nó để lại một tiềm lực trong dòng tương tục của các chúng sanh, để rồi khi những cơ hội được xem là thuận tiện cho quả, những quả ấy sẽ xuất hiện.

Nhắc lại một lần nữa, nghiệp không tích chứa ở đâu trong thân - tâm này, nhưng khi nó diệt, nó để lại một tiềm lực cho quả. Giống như chúng ta có thể nói, một cái cây có tiềm năng cho trái vậy. Lúc đầu chẳng có trái nào trên cây cả, nhưng khi thời gian thích hợp xảy ra, trái xuất hiện.

Chúng ta có thể dùng một minh hoạ khác, đó là lối so sánh cổ điển của đạo Phật về mặt trời, phân bò, và ngọc (ngọc ở đây giống như kính lúp). Khi có mặt trời, và khi bạn đặt một kính lúp trên đống phân bò, bạn sẽ có lửa. Ta không thể nói rằng lửa mới sinh được chứa sẵn  đâu đó trong phân bò khô, hay trong mặt trời hoặc kính lúp. Tuy nhiên khi những vật này gặp nhau, chúng ta có lửa. Như vậy, có thể nói rằng khi những điều kiện thuận lợi cho lửa xuất hiện, lửa sẽ xuất hiện. Quả của nghiệp cũng thế.

Nghiệp và quả của nghiệp không phải là một thứ. Sẽ không đúng khi nói rằng nghiệp chín muồi dần thành quả. Một loại triết học của Ấn giáo (Hindu) dạy rằng, quả đã có trong nghiệp dưới hình thức không hiển lộ rõ, và nghiệp tự nó chín muồi thành quả. Vì thế nhân và quả về bản chất là như nhau trong học thuyết đó. Nhưng đạo Phật không chấp nhận. Đạo Phật dạy rằng nghiệp và quả không lẫn vào nhau, nghĩa là trong nghiệp không có quả, và trong quả không có nghiệp, mặc dù phải nói là không quả nào hiện hữu mà không có nghiệp. Quả hoàn toàn tuỳ thuộc vào nghiệp, nhưng quả không hiện hữu trong nghiệp, cũng như nghiệp không tồn tại trong quả. Nghiệp và quả thuộc về những thời gian khác nhau. Quả có mặt hoàn toàn tuỳ thuộc vào nghiệp đã làm trong quá khứ, và khi những điều kiện kết hợp lại theo cách nào đó thuận lợi cho quả xuất hiện (giống như mặt trời, phân bò, và ngọc), quả sẽ xuất hiện vậy thôi.

Danh từ kỹ thuật chỉ quả của nghiệp là vipāka - dị thục quả, chúng ta thường gọi là quả của nghiệp hay nghiệp quả. Kamma hay ý chí từ quá khứ để lại một tiềm lực cho quả phát sinh trong hiện tại. Nhưng nghiệp quá khứ không ảnh hưởng gì đến ý chí hiện tại. Phản ứng của chúng ta trước những quả quá khứ sẽ tạo ra những quả xấu hoặc tốt trong tương lai, tuỳ thuộc vào tính chất của ý chí hay tư - cetanā. Nếu chúng ta phản ứng với như lý tác ý (yoniso manasikāra), thì quả báo trong tương lai sẽ là thiện hay tốt đẹp. Song nếu chúng ta phản ứng với phi lý tác ý (ayoniso manasikāra) quả của ý chí như vậy sẽ là xấu, và sẽ cho quả bất thiện trong tương lai. Vì thế, đối với quả của nghiệp quá khứ chúng ta không thể làm được gì nhiều, song chúng ta có thể phản ứng lại quả đó với như lý tác ý, và nhờ vậy có được những quả tốt trong tương lai. Như lý tác ý sẽ cho phép chúng ta làm nghiệp thiện, trong khi phi lý tác ý sẽ khiến chúng ta làm nghiệp ác. Quả báo tương lai chắc chắn sẽ tuỳ thuộc vào ý chí (nghiệp) của chúng ta trong hiện tại.

Tuy nhiên, không phải mọi việc xảy ra đều do nghiệp. Đôi khi chúng ta không nên cho rằng mọi chuyện đều do nghiệp cả. Chẳng hạn, khi ai đó bị một điều gì không may, đừng vội kết luận: “Đó là nghiệp của bạn, bạn phải chịu đựng nỗi bất hạnh thế này, thế nọ là vì nghiệp bạn đã tạo.” Mặc dù nghiệp có thể được xem là một quy luật chi phối toàn bộ thế gian này, song nó chỉ là một trong những quy luật (năm niyāma). Các định luật thiên nhiên  tinh thần khác cũng chi phối cuộc sống của mọi chúng sinh.

Ngoài ra chúng ta còn phải biết phân biệt đâu là quả của nghiệp quá khứ, đâu là nghiệp hiện tại nữa. Nghiệp hiện tại không phải là quả của nghiệp quá khứ. Quả của nghiệp quá khứ là tâm quả (vipāka). Tâm quả là thành quả của nghiệp quá khứ, nhưng tâm quả ấy không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện những hành động thiện hay bất thiện trong hiện tại. Nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện không phải là kết quả của nghiệp quá khứ; đúng hơn, chúng ta đang tích luỹ nghiệp mới trong kiếp hiện tại, và nghiệp đó sẽ cho quả trong tương lai.

Phân Loại Nghiệp

Nghiệp được sắp thành nhiều nhóm và loại khác nhau. Một trong những cách phân loại là chia nghiệp thành thiện (tốt) và bất thiện (xấu). Có mười thiện nghiệp, tức mười ‘tư’ thiện hay hành động thiện. Sở dĩ gọi đó là thiện nghiệp vì chúng xuất hiện cùng với những trạng thái tâm thiện, những tâm sở thiện, và cho ra quả thiện.

- Thiện nghiệp thứ nhất là bố thí (dāna). Chúng ta cần thực hành hạnh bố thí vì, nhờ chia sẻ với người khác những gì chúng ta có, chúng ta tạo được thiện nghiệp (kusala kamma) cũng gọi là công đức. Thiện nghiệp này sẽ cho quả trong các kiếp tương lai. Bố thí còn giúp chúng ta thực hành hạnh xả ly. Chẳng hạn, tôi có thể còn dính mắc vào chiếc máy đánh chữ này, song nếu cho nó đến người khác, tôi không chỉ bỏ cái máy, mà còn bỏ cả sự dính mắc của tôi vào cái máy ấy nữa. Hành vi dứt bỏ sự dính mắc này gọi là vô tham (alobha). Và khi tâm chúng ta thoát khỏi tham (lobha), nó được giải thoát, trong sáng và định tĩnh. Như vậy, chúng ta được khuyến khích nên thực hành hạnh bố thí càng thường xuyên càng tốt.

- Thiện nghiệp thứ hai là trì giới. Trì giới  thọ giới  giữ gìn giới. Đối với người Phật tử tại gia, ngũ giới là đòi hỏi tối thiểu: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm (tà hạnh trong các dục), không nói dối, không uống rượu và các chất say. Vào những ngày trai giới, cần giữ thêm ba giới nữa cho đủ tám giới. Ba giới mới thêm đó là: không ăn sau giờ ngọ (12 giờ trưa), không nghe nhạc và trang điểm, và không nằm ngồi trên những giường cao và sang trọng. Giới (sīla) là nền tảng của định (samādhi) hay thiền.

- Thiện nghiệp thứ ba là tu thiền hay tu tập tâm. Đây là thiện nghiệp thù thắng nhất mà chúng ta có thể làm trong đời này: hành thiền minh sát vipassanā.

Thiện nghiệp thứ tư là cung kính, tỏ lòng kính trọng người khác, nhất là người lớn tuổi. Ở phương Đông, người trẻ kính trọng người già là chuyện tất nhiên. Theo cách này, tương quan giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, v.v… được quy định bởi phép cung kính này.

- Thiện nghiệp thứ năm là phục vụ, làm điều tốt cho người khác; chẳng hạn giúp một cụ già hay phụ nữ băng qua đường, hoặc mang giúp họ những vật nặng. Một loại phục vụ khác là công quả cho Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Khi bạn quét dọn, lau chùi, hoặc tu sửa chùa chiền, đó là sự phục vụ hay công quả tốt đẹp nhất.

- Thiện nghiệp thứ sáu là hồi hướng công đức . Khi bạn có được chút công đức (phước thiện) nào, bạn nên chia sẻ điều này với những người khác. Chia sẻ công đức hay hồi hướng công đức tự nó là một phước báu, vì thế ta nên chia sẻ với mọi người. Hồi hướng công đức không có nghĩa rằng ta lấy một phần công đức của mình đem cho người khác. Thực ra, nó chỉ có nghĩa là chúng ta để cho mọi người có cơ hội thâu thập công đức cho chính bản thân họ mà thôi. Xưa có một thiện nam hỏi Đức Phật Độc-giác (Pacceka Budha) rằng nếu một người chia phước đến người khác, công đức của họ có vì thế mà giảm đi hay không? Đức Phật Độc-giác bảo anh ta: “Nếu như anh có một cây đèn, từ cây đèn đang cháy này, anh thắp sáng cây đèn khác, ánh sáng của nó sẽ không giảm đi khi châm sang cây đèn đó, mà càng trở nên sáng hơn cùng với việc thắp sáng cây đèn mới này. Cũng vậy, khi anh hồi hướng hay chia phần phước đã làm đến mọi người, phước của anh không giảm mà thực sự còn tăng trưởng thêm vì có một phước báu mới (từ việc mở rộng lòng quảng đại này)”

- Thiện nghiệp thứ bảy là tuỳ hỉ công đức hay hoan hỉ với phước sự của người khác, có nghĩa là khi người khác làm được những việc phước thiện, bạn chỉ cần nói lên lời “sādhu, sādhu, sādhu”, tức là “lành thay, lành thay, lành thay”, hoặc khi người khác chia phước đến bạn, bạn nói “sādhu, sādhu, sādhu” để chứng tỏ rằng bạn rất hoan hỉ với việc phước của họ, và nhờ tâm hoan hỉ này, bạn tạo được cho mình một phước báu.

- Thiện nghiệp thứ tám là thính pháp hay lắng nghe pháp. Đây là một phước báu lớn, một thiện nghiệp lớn. Nhờ nghe pháp, bạn sẽ hiểu pháp, và khi đã hiểu pháp bạn có thể tránh làm các điều bất thiện và làm được những điều thiện.

- Thiện nghiệp thứ chín là thuyết pháp , đàm luận pháp. Thiện nghiệp này có liên quan đến thiện nghiệp thứ tám.

- Thiện nghiệp thứ mười là uốn nắn tri kiến . Chúng ta phải có sự hiểu biết đúng về nghiệp. Nghiệp là tài sản riêng của chúng ta, chúng ta là chủ nhân của nghiệp và không ai khác có trách nhiệm đối với hành động hay nghiệp của chúng ta được.

Như vậy có mười thiện nghiệp. Tuy nhiên, nếu cô đọng, chúng thực sự chỉ có ba: bố thí, trì giới, và tu thiền. (1) Cung kính  phục vụ được kể trong nhóm Giới (sīla); (2) Hồi hướng công đức  tuỳ hỉ công đức được kể trong nhóm Thí (dāna); và (3) Thính pháp, thuyết pháp, và uốn nắn tri kiến được sắp vào nhóm Thiền hay tu tập tâm (bhāvanā)

Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu về các bất thiện nghiệp hay nghiệp xấu. Sở dĩ gọi là nghiệp xấu, vì chúng sẽ cho quả xấu, và đi kèm với trạng thái tâm bất thiện.

1. Nghiệp bất thiện thứ nhất là sát sanh, giết các chúng sinh.

2. Thứ hai là trộm cắp, lấy những gì người khác không cho.

3. Thứ ba là tà dâm.

4. Thứ tư là nói dối.

5. Thứ năm là nói lời gây chia rẽ.

6. Thứ sáu là nói lời thô ác.

7. Thứ bảy là nói lời vô ích, không có ý nghĩa hoặc giá trị.

8. Thứ tám là tà tham (visama lobha), là muốn chiếm hữu tài sản người khác. Đây không phải là loại tham thường có đối với tài sản của riêng mình. Hình thức tham ở đây là muốn chiếm hữu tài sản của người khác, và được xem là hình thức tham tồi tệ nhất.

9. Thứ chín là sân hay ác ý. Đó là muốn làm tổn thương người khác, muốn gây thương tích cho người khác.

10. Nghiệp bất thiện thứ mười là tà kiến, là tin rằng các pháp vốn thường, lạc, ngã, tịnh.

Trên đây là mười pháp bất thiện cho những quả báo xấu và cần phải tránh nếu chúng ta không muốn những quả xấu ấy. Tránh những nghiệp này cũng được xem là nghiệp tốt; bởi vì tự thân việc tránh không sát sanh, trộm cắp và những nghiệp xấu khác thực sự đã là nghiệp tốt rồi.

Phản Tỉnh Về Nghiệp

Chúng ta cũng cần hiểu biết về quy luật của nghiệp. Điều này rất quan trọng trong đạo Phật, vì hiểu biết về nghiệp là một phần của thiện nghiệp  chúng ta gọi là uốn nắn tri kiến. Hơn nữa có chánh kiến về nghiệp sẽ dẫn đến an tịnh, một trong bảy chi phần giác ngộ. Để cảm nghiệm được sự an tịnh, chúng ta phải làm nhiều công việc, và phản tỉnh về nghiệp là một trong những việc ấy (ở đây phản tỉnh về nghiệp có nghĩa là suy xét về nghiệp kể như tài sản riêng của mình). Đôi khi chúng ta dao động  bất an vì không được những điều mình muốn, hoặc những điều không muốn lại xảy ra. Trong tình huống ấy, suy xét về nghiệp giúp ta gạt bỏ được sự bất an và có được an tịnh, vì chúng ta không thể làm bất cứ gì để thay đổi nghiệp quá khứ được. Chúng ta phải chấp nhận những gì chúng ta đáng được, kể như kết quả của ý chí quá khứ, của nghiệp quá khứ.

Phản tỉnh về nghiệp là cách tốt nhất để loại trừ sự oán giận. Có khi bạn đang hành thiền tâm từ, oái oăm thay bạn lại cảm thấy oán giận vì phải rải tâm từ đến một người có thể đáng ghét đối với bạn. Cách để loại trừ oán giận trong trường hợp này là suy xét về nghiệp kể như tài sản riêng của mình. Bạn suy xét: “Ta được sanh ra ở đây là do kết quả của nghiệp, và người khác có mặt ở đây cũng vì lý do ấy, không có điều gì ta có thể làm về việc này được. Nhưng nếu oán giận người, ta đã tạo một nghiệp bất thiện mới, nghiệp này sẽ cho ta những quả báo xấu trong bốn đoạ xứ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, và Atula)”

Nhờ phản tỉnh như vậy, ta có thể loại trừ được lòng oán giận. Hiểu biết về nghiệp cũng thúc đẩy tinh thần tự lực. Bởi lẽ nghiệp là của riêng mỗi người và chúng ta là nhà kiến trúc cho số phận của mình. Chúng ta phải nương tựa chính bản thân mình chứ không dựa vào ai khác. Để có được những quả báo tốt, chúng ta phải làm được nghiệp tốt. Vì các chúng sinh sẽ gặt hái những kết quả theo nghiệp họ đã tạo, không ai có thể giúp người khác trong việc gặt hái những kết quả đó. Ngoài lời dạy về tinh thần tự lực này ra, sự hiểu biết về nghiệp còn dạy cho chúng ta tinh thần trách nhiệm cá nhân nữa. Chúng ta phải có trách nhiệm đối với chính bản thân, và bất luận điều gì chúng ta đã và đang làm, chỉ một mình chúng ta chịu trách nhiệm về hành động đó. Khi chúng ta gặp những hoàn cảnh thuận lợi, đó là kết quả của những gì chúng ta đã làm trong quá khứ. Cũng thế, khi chúng ta rơi vào những nghịch cảnh, chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc đó mà không thể đổ thừa cho ai được.

Như vậy, nếu bạn muốn có được kết quả tốt, bạn chỉ cần làm điều tốt hay tạo thiện nghiệp trong đời này. Theo cách đó, sự hiểu biết về nghiệp còn cho chúng ta niềm hy vọng  chúng ta có thể dựa vào bản thân để định hướng cho những kiếp tương lai bằng cách tạo trữ thiện nghiệp trong kiếp hiện tại này. Như vậy, nghiệp không phải là số phận hay định mệnh, vì chúng ta có thể tránh được những kết quả của nghiệp xấu bằng cách tạo thiện nghiệp. Chúng ta cũng không phải sợ ai phán xét hoặc sợ ai lôi chúng ta vào địa ngục. Theo đạo Phật, không ai có thể tống chúng ta vào địa ngục ngoại trừ chính chúng ta, tất nhiên chúng ta cũng có thể đưa mình lên thiên giới được nữa.

Có sự hiểu biết  niềm tin vào quy luật của nghiệp là một đòi hỏi cơ bản đối với người Phật tử. Đạo Phật rất nhấn mạnh đến điểm này. Với niềm tin và sự hiểu biết ấy, chúng ta làm những việc thiện, và những việc thiện này là những việc thiện thù thắng nhất vì được làm với sự hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp. Khi làm một việc thiện với sự hiểu biết về nghiệp, việc làm đó kể như có đủ ba nhân thiện, đó là vô tham, vô sân, và vô si. Khi những thiện sự của chúng ta được kèm theo bởi ba nhân thiện này, chúng sẽ cho quả trong các kiếp sống tương lai, quan trọng hơn hết là được tái sinh làm người có đủ ba nhân. Thường những người được sinh ra với ba nhân thiện này có thể đắc thiền hoặc đạo quả Niết-bàn trong đời hiện tại. Như vậy có sự hiểu biết về nghiệp khi đang làm các việc công đức là điều hết sức quan trọng trong đạo Phật.

PHẦN HỎI VÀ ĐÁP

Hỏi: Ý định hồi hướng công đức (chia phước) có khích lệ được người khác thâu thập công đức cho bản thân họ không?

Đáp: Có. Khi bạn hoan hỷ với những việc làm công đức của người khác, lòng hoan hỷ ấy tự thân nó đã là một công đức rồi. Tuy nhiên, việc chia phước hay hồi hướng công đức này sẽ có hiệu quả nhất đối với người đã quá vãng. Chẳng hạn, một người chết và tái sinh làm ngạ quỷ (peta), nếu thân bằng quyến thuộc của người đó làm phước và hồi hướng hay chia phước ấy đến ngạ qủy, bằng cách nói: ‘Mong các hàng ngạ quỷ hãy đến và hoan hỷ với phước sự mà chúng tôi đã làm đây’. Lúc đó, ngạ quỷ do nghe được những lời hồi hướng  tỏ ra hoan hỷ với những công đức ấy, có thể sẽ nhận được những kết quả tốt đẹp tức thì. Hàng ngạ quỷ thì có được những kết quả tức thì, song chúng ta trong kiếp này không có được những kết quả nhanh chóng như vậy.

Có một câu chuyện kể về những quyến thuộc của Đức Vua Tầnbàsala (Bimbisara) của Ấn-độ, người đã trở thành đệ tử của đức Phật và đắc thánh quả Tu-đà-hoàn. Trong một kiếp quá khứ, vua và rất nhiều quyến thuộc của ông đã phạm phải một ác nghiệp. Một số thiện tín đang chuẩn bị một buổi lễ trai tăng  Đức Phật làm toạ chủ, những quyến thuộc của Tầnbàsala đã tự tiện ăn trước những món ăn trong đó (tức là ăn trước khi người ta dâng cúng đến Đức Phật  Tăng chúng). Do việc này, họ đã phải tái sinh làm ngạ quỷ không có chỗ nương thân và nuôi dưỡng. Trải qua vô lượng kiếp, đến thời Đức Phật Thích Ca, khi vua Tầnbàsala cúng dường Trúc-lâm Tịnh xá đến Đức Phật, và các ngạ quỷ đó hy vọng rằng ông sẽ hồi hướng phước cho họ. Nhưng Vua Tầnbàsala không biết cách hồi hướng nên hàng ngạ quỷ không được gì cả. Điều này làm họ giận dữ, và họ đã hiện ra những tướng đáng sợ cho Vua Tầnbàsala thấy suốt đêm đó. Đức Vua kể lại chuyện cho Đức Phật, và ngài khuyên ông khi làm những phước sự nên hồi hướng công đức đến cho quyến thuộc của mình. Đức Vua theo lời khuyên và làm phước hồi hướng đặc biệt đến cho họ. Các ngạ quỷ nhận được phước nói lên lời “sādhu, sādhu, sādhu” (lành thay, lành thay, lành thay) và họ được hoá sanh chư thiên tức thì.

Hỏi: Chúng ta có thể thoát khỏi những quả của nghiệp xấu không?

Đáp: Có nhiều nghiệp khác nhau. Có số cho quả trong đời kế, có số cho quả trong những đời sau đó nữa. Các nghiệp cho quả trong các kiếp tương lai thì ai cũng có cả một kho nghiệp như vậy. Chúng ta đã trôi lăn trong vòng luân hồi này không biết bao nhiêu đại kiếp, và đã làm rất nhiều điều thiện lẫn điều ác. Một số nghiệp ấy có thể đã cho quả, nhưng một số có thể vẫn chưa cho quả. Theo một cách nói nào đó thì cả nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu đều đang chờ cơ hội để cho quả. Nghiệp xấu sẽ cho quả khi chúng có những cơ hội và hoàn cảnh thuận lợi để cho quả. Vì thế, nếu bạn làm nghiệp xấu ở đời này, thì nghiệp xấu từ quá khứ sẽ có nhiều khả năng cho quả hơn do nghiệp xấu mới làm này. Tuy nhiên, nếu trong đời hiện tại bạn làm nhiều nghiệp tốt, bạn có thể ngăn, chứ không hoàn toàn xoá bỏ được nghiệp xấu từ quá khứ. Đó là lý do tại sao mọi người được khuyên nên làm điều thiện.

Đức Phật một lần đã đặt ý nghĩa này trong hình thức một tỷ dụ. Nếu bạn bỏ một muỗng muối vào một ly nước, nước đó sẽ trở nên rất mặn. Song nếu bạn bỏ cũng muỗng muối ấy vào một hồ nước, nước hồ sẽ không bị mặn như vậy. Cũng vậy, khi bạn có một số lớn nghiệp tốt, bạn có thể làm mất tác dụng hoặc làm giảm nhẹ được những hậu quả của nghiệp xấu.

Chỉ khi bạn đạt đến quả vị Alahán (Alahán: vị đã đạt đến tột đỉnh của sự phát triển tâm linh, đã giải thoát và sẽ không còn tái sinh trở lại), bạn mới có thể trừ tiệt hoàn toàn mọi hệ quả của nghiệp. Nhưng ở đây chúng ta vẫn có thể ngăn chặn quả của nghiệp xấu bằng cách làm những điều thiện. Nhờ làm việc thiện, chúng ta tạo ra những hoàn cảnh bất lợi để ngăn không cho nghiệp xấu từ quá khứ trả quả; hay nói khác hơn, nhờ thiện nghiệp chúng ta làm thường xuyên mà những ác nghiệp trong quá khứ không có cơ hội thuận lợi để cho quả vậy.

Hỏi: Có phải quả và nhân (hành động) thực sự là những giai đoạn tâm khác nhau không?

Đáp: Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), chúng là những tâm sở khác nhau. Chúng ta có bốn thực tại: tâm, tâm sở, sắc pháp, và Niết bàn. Các tâm sở xuất hiện cùng lúc với tâm, và nghiệp chỉ là một trong những tâm sở ấy (nghiệp tức là tư tâm sở). Tâm và tâm sở tạo nghiệp (tư) đều diệt mất (sau khi làm xong nhiệm vụ), nhưng nghiệp để lại một tiềm lực cho quả trong tương lai.

Hỏi: Những tâm sở hay trạng thái tâm tiêu cực như sân hận, ác ý, luôn luôn cho những quả xấu có phải không?

Đáp: Phải. Nhưng mức độ quả khác nhau tuỳ theo sức mạnh của ác ý hay sân hận (lúc tạo nghiệp). Đôi khi ý nghĩ sân hận hoặc mức độ ác ý rất nhỏ, rất thoáng qua, và vì thế quả báo sẽ không thể hiện rõ rệt. Nhưng có lúc cường độ tâm sân mạnh đến độ bạn có thể giết người và tất nhiên phải chịu quả báo rất xấu. Kinh sách thường nói rằng giết một con bò nghiệp nặng hơn giết một con chó hay con mèo, vì con bò to hơn nên muốn giết nó phải đầu tư nỗ lực nhiều hơn. Nếu chúng sinh bị giết không giới đức, bạn chịu quả báo nhẹ hơn. Nếu một người giết một người cực ác, nghiệp bất thiện họ tạo không xấu bằng khi người bị giết đó là một người giới đức. Vì thế, tuỳ theo giới hạnh của người bị giết, và tuỳ nỗ lực cần phải có để thực hiện việc giết, kết quả sẽ khác nhau. Do có những mức độ khác nhau của nghiệp thiện và nghiệp bất thiện, nên mức độ quả tương xứng cũng khác nhau vậy.

Tìm Hiểu Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp

Đến đây tôi sẽ trình bày những định nghĩa của một số từ được sử dụng trong bài giảng này dựa trên tự điển Phật học của Nyanatiloka.

Khi nói đến Citta, tôi muốn nói đến tâm. Có 89 loại tâm (hoặc 121 theo một cách tính khác). Khi nói Cetasika, tôi muốn đề cập đến các tâm sở hay những trạng thái tâm lý vốn liên quan mật thiết với tâm (citta) đang sinh và được quy định bởi sự hiện diện của nó (các tâm sở ấy). Một thuật ngữ khác, Rūpa có nghĩa là sắc hay phần vật chất. Triết học Vi-diệu-pháp mô tả mọi hiện tượng trong ba phương diện này: Citta (tâm), Cetasika (tâm sở), và Rūpa (sắc). Trong ba phương diện vừa kể, các tâm sở gồm thọ, tưởng, và năm mươi tâm hành; tổng cộng có năm mươi hai tâm sở.

Một thuật ngữ khác mà tôi dùng ở đây là Cetanā (tư). Cetanā hay tư, ý chí, là một trong bảy tâm sở biến hành liên quan chặt chẽ với tất cả tâm. Bảy tâm sở này là: xúc (phassa), thọ (vedanā), tưởng (saññā), tư (cetanā), nhất hành (ekaggatā), mạng quyền (jāvita), và tác ý (manasikāra). Cuối cùng, tôi sẽ giải thích thêm một từ nữa, đó là kamma hay nghiệp.

Kamma là gì? Như đã giải thích ở trên, kamma là hành động hay việc làm. Về cơ bản, kamma là hành động hay công việc hoặc việc làm, nhưng theo nghĩa Phật học, kamma được định nghĩa như cái mà qua đó những hành động được làm, hay cái nhờ đó các hành động được thực hiện. Hành động tự nó không gọi là kamma (nghiệp).

Để hiểu rõ hơn, chúng ta thử hình dung khi làm một điều gì, trong tâm chúng ta phải khởi lên một loại tâm và loại tâm đó được đi kèm theo bởi cái chúng ta gọi là ý chí (tư tâm sở - cetanā ), và cetanā hay ý chí ấy mới gọi là nghiệp. Đức Phật đã công bố một cách rành mạch:

“Ý chí (cetanā - tư) là cái Như Lai gọi là nghiệp. Do có ý chí, người ta mới thực hiện những hành động bằng thân, bằng lời nói, hoặc bằng tâm.” Bất cứ khi làm một hành động nào, trong tâm chúng ta đều phải có một loại tâm, hoặc thiện hoặc bất thiện, khởi lên, và loại tâm ấy được kèm theo bởi ý chí hay cetanā, chính cetanā này là cái mà chúng ta gọi là nghiệp. Vì thế nghiệp là ý chí trong tâm chúng ta. Ý chí này có thể kết hợp với các tâm thiện hoặc bất thiện. Cetanā hay ý chí có mặt trong tất cả tâm, nó là một trong bảy tâm sở biến hành liên quan mật thiết với 89 hay 121 loại tâm. Nhưng khi nói tới nghiệp, chúng ta chỉ muốn nói tới cetanā đi kèm với các loại tâm thiện hay bất thiện mà thôi.

Mọi người có lẽ đã quen với mười hai mắc xích của Pháp Duyên-khởi (Thập Nhị Nhân Duyên) mà trong đó chúng ta sẽ thấy từ saṅkhāra, thường có nghĩa là hành. Ở đây hành có nghĩa là nghiệp, và chính nghiệp này tạo ra những kết quả trong đời này hoặc trong các đời tương lai. Như vậy, chúng ta có chuỗi (duyên khởi): vô minh làm duyên cho hành, hành làm duyên cho thức, thức làm duyên cho danh sắc, danh sắc làm duyên cho lục nhập, lục nhập làm duyên cho xúc, xúc làm duyên cho thọ, thọ làm duyên cho ái, ái làm duyên cho thủ, thủ làm duyên cho hữu (tiến trình trở thành hay sanh hữu), hữu làm duyên cho sinh, và sinh làm duyên cho già và chết.

Trước khi đi xa hơn, tôi muốn đề cập thêm một chút nữa về kamma. Kamma (nghiệp) không phải là kết quả của hành động, mà chỉ là nhân, mặc dù theo cách phổ thông, chúng ta thường sử dụng từ này trong nghĩa của quả. Nghiệp cũng không phải là định mệnh hay sự tiền định, mặc dù trong ý nghĩa nào đó, nó dường như thế thật. Song cần hiểu rằng nghiệp không phải là số phận hay định mệnh theo nghĩa có một đấng tạo hoá hay tác nhân bên ngoài nào bắt chúng ta phải chịu khổ hay vui trong cuộc đời này, mà nghiệp phải được xem như một yếu tố quyết định quan trọng của đời sống hiện tại cũng như tương lai của chúng ta.

Thêm một điều nữa, chúng ta không nên gán cho giáo lý nghiệp báo này ý niệm về nghiệp chung. Không hề có sự hoạt động của một nghiệp chung tác động trên một nhóm người. Tuy nhiên, có thể có chuyện một nhóm người cùng làm một việc gì đó với nhau  thọ lãnh những quả của nghiệp riêng của họ cùng nhau. Trong trường hợp đó, quả nghiệp của mỗi cá nhân cũng đang hoạt động mà thôi.

Quy luật của nghiệp là quy luật của nhân và quả, quy luật này nói rõ rằng có nhân tất có quả, không quả nào không có nhân. Chúng ta cũng có thể mô tả nghiệp như quy luật của hành động và phản ứng. Có hành động tất có phản ứng của hành động.

Giống như định luật hấp dẫn, vận hành của nghiệp là một quy luật tự nhiên. Không ai có thể can thiệp vào quy luật này, ngay cả Đức Phật. Trong tích truyện Phật giáo, chúng ta biết chuyện Đức Phật đã không thể cứu được quyến thuộc của ngài khỏi bị thảm sát như thế nào. Khi nghiệp quá khứ đã chín muồi, ngay cả Đức Phật cũng không che chở cho họ khỏi bị quả báo của nghiệp họ đã tạo.

Yếu tố đầu tiên của Bát-Thánh-đạo là chánh kiến. Một trong những đòi hỏi cơ bản của chánh kiến  hiểu biết quy luật của nghiệp.

Như vậy, có phải mọi việc đều do nghiệp cả không? Trong từ điển Phật học, Ngài Nyanatiloka có viết: “Theo tinh thần Phật giáo, sẽ là sai lầm hoàn toàn khi tin rằng mọi việc đều là kết quả của nghiệp quá khứ”. Bất kỳ hành động có chủ ý tạo nghiệp thiện hoặc bất thiện nào đều không phải là kết quả của nghiệp quá khứ vì chính tự thân hành động đó đã là nghiệp. Điều này có nghĩa rằng, ý chí (hay tư) trong hiện tại không bị ảnh hưởng bởi quả của nghiệp quá khứ.

Tâm có nhiều loại. Một trong số các loại tâm là tâm quả. Tâm quả là kết quả của nghiệp, nhưng các loại tâm khác không phải là quả của nghiệp. Vì thế không phải mọi việc đều do nghiệp cả.

Chẳng hạn, khi chúng ta thấy một điều gì vừa ý, tâm thấy đó là do nghiệp gây ra. Nhưng phản ứng của chúng ta đối với cái thấy đó hay với đối tượng đó không còn do nghiệp tạo nữa. Phản ứng của chúng ta là một nghiệp mới chúng ta đang làm. Thấy một vật vừa lòng là quả của thiện nghiệp, thấy một vật không đáng ưa là quả của bất thiện nghiệp. Nếu chúng ta thấy một bông hồng xinh đẹp, đó là quả của thiện nghiệp. Bông hồng không phải là quả của nghiệp, nó chỉ là một vật của tự nhiên; nhưng tâm thấy bông hồng này là kết quả của thiện nghiệp. Rồi đến phản ứng của bạn, nếu bạn có sự chấp thủ đối với bông hồng, phản ứng của bạn là bất thiện (akusala), còn nếu phản ứng của bạn là để thấy thực chất của bông hồng, đó là thấy nó vô thường, không có một cốt lõi, và chịu sự chi phối của quy luật sanh - diệt. Phản ứng như vậy không bị chấp trước vào nó và đó là thiện (kusala). Phản ứng hoặc thiện hoặc bất thiện đó của bạn sẽ cho quả trong tương lai. Bất luận điều gì bạn gặp trong đời này là quả của nghiệp quá khứ, nhưng phản ứng của bạn đối với nó không còn là quả nữa. Phản ứng là một nghiệp mới.

Ai là người tác nghiệp? Ai thọ hưởng hay cảm thọ quả của nghiệp? Điều này rất khó giải thích, vì đạo Phật không chấp nhận có một thực thể gọi là người hay chúng sinh, hoặc một Ātman (trong Pāḷi: atta nghĩa là tự ngã hay linh hồn) bên trong con người. Tuy nhiên có thể nói rằng một người làm điều thiện sẽ gặt quả thiện trong tương lai. Cách giải thích có vẻ như mâu thuẫn khi nói rằng đạo Phật chấp nhận cả tính đồng nhất lẫn khác biệt. Có một dòng tâm  vật chất (hay danh-sắc) tương tục nhưng không giống hệt nhau tồn tại trong một thời gian lâu dài. Trong từng khoảnh khắc (sát-na), danh và sắc sanh lên và diệt mất. Vì thế, phải nói là có một cái gì đó giống như tương tục, nhưng cái đó không giống hệt như cái đã hiện hữu trước, không có gì từ sát-na này được đem sang sát-na kế. Như vậy trong phân tích cùng tột không có người tác nghiệp và cũng không có người cảm thọ quả, vì ngoài nghiệp không có người tác nghiệp, và ngoài sự xuất hiện của quả không có người cảm thọ quả. Ngoài hành động ra, chẳng có ai để chúng ta gọi là một tác nhân của hành động cả. Theo ngôn ngữ quy ước, tất nhiên, chúng ta phải nói rằng chúng sinh thọ quả của thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp, nhưng từ “chúng sinh” chỉ là một cách dùng đã được mọi người sử dụng cho tiện mà thôi.

Gì là những kết quả của nghiệp? Chỉ có hai điều được xem là quả của nghiệp. Một là tâm (citta) và các tâm sở (cetasika), hai là sắc (rūpa).

Các loại tâm quả và tâm sở đi kèm với chúng là những kết quả của nghiệp. Một số sắc, chứ không phải tất cả, trong thân chúng ta cũng do nghiệp tạo ra. Như vậy khi nói quả của nghiệp, chúng ta muốn nói đến điều này: sắc do nghiệp sanh. Một bông hồng không phải là quả của nghiệp, nó đơn giản có mặt do những nguyên nhân tự nhiên. Nhưng thấy bông hồng hay cảm nghiệm bông hồng – tâm thấy qua đó bạn thấy bông hồng – là do nghiệp tạo và con mắt, hay đúng hơn thần kinh nhãn qua đó bạn thấy (bông hồng) cũng là kết quả của nghiệp. Tuy nhiên, phản ứng của bạn đối với bông hồng không còn là quả của nghiệp nữa mà là nghiệp mới. Theo cách này có thể hiểu rằng trong lúc thọ quả của nghiệp chúng ta cũng tạo ra nghiệp mới, và nghiệp mới này sau đó sẽ lại cho quả. Cứ như vậy, nhân và quả mãi diễn tiến  diễn tiến không ngừng.

Quy luật của nghiệp công bố rằng các chúng sinh sẽ gặt hái những gì họ đáng gặt hái. Đó là một quy luật công bằng, không phải do một đấng nào hay một năng lực siêu nhiên nào điều khiển.

Tôi xin chấm dứt bài giảng này với một minh họa về tiến trình tâm và vị trí của nghiệp trong đó.

Đây là tỷ dụ trái xoài thường được dùng trong Vi-Diệu-Pháp để minh họa cách vận hành của tâm từ trạng thái hữu phần, thụ động sang trạng thái tâm tích cực và tạo tác nghiệp thiện hoặc bất thiện. Ở đây tôi sẽ đánh số mỗi sát-na trong tiến trình:

Một người kia trùm kín đầu ngủ dưới gốc cây xoài (0), khi ấy một trái xoài chín, đứt cuống rơi xuống đất, sượt qua tai người đó (1, 2, 3). Bị tiếng động đánh thức (4), anh ta mở mắt ra và nhìn (5). Quơ tay lấy trái xoài (6), mắn mó, mân mê nó (7), ngửi nó (8), ăn nó với sự thích thú (9-15), và nuốt (16-17). Rồi anh ta lại ngủ tiếp (0).

Khi một đối tượng được giới thiệu qua một trong năm cửa giác quan (năm căn môn), như trong trường hợp của ví dụ trái xoài này, sẽ có mười bảy sát na tâm diễn tiến theo tuần tự.

Chúng ta có dòng hữu phần - bhavaṇga - (0, 1, 2, 3), một loại tâm trôi chảy ngầm hay không hoạt động và một chuỗi các loại tâm sau: ngũ môn hướng tâm (4); nhãn thức (5); tiếp thọ (6); suy đạc (7); xác định (8); tốc hành tâm (9-15); đồng sở duyên (16-17); và rồi bhavaṇga trở lại (0).

Trong chuỗi tâm này, những sát-na tạo nghiệp là bảy tốc hành tâm, gọi theo Pāḷi  Javana. Trong những sát-na (tốc hành) này, con người kinh nghiệm trọn vẹn đối tượng, và cũng chính ở những sát-na này mà người ta sẽ tạo tác nghiệp. Sát-na đầu tiên của bảy tốc hành tâm, người ta có loại nghiệp mà nếu hoàn cảnh thuận tiện sẽ cho quả trong kiếp hiện tại. Sát-na tốc hành thứ bảy cũng là sát-na cuối cùng, người ta có loại nghiệp sẽ cho quả trong những kiếp sống sau kiếp kế, tức từ kiếp thứ ba trở đi nếu tính kiếp hiện tại là thứ nhất.

Nếu sát-na tốc hành đầu tiên không cho quả trong kiếp này, nó trở thành vô hiệu lực; nếu sát-na thứ bảy không cho quả trong kiếp kế, nó cũng trở thành vô hiệu lực. Nhưng năm sát-na giữa thứ nhất và thứ bảy có thể cho quả bất cứ lúc nào cho tới khi người ta đắc Alahán và viên tịch. Do đó, bảy sát-na tốc hành (javana) được xem là những sát-na quan trọng nhất trong tiến trình tâm của Abhidhamma. Vì trong những sát-na đó, chúng ta phản ứng lại với đối tượng như thế nào (hoặc thiện hoặc bất thiện) chúng ta sẽ gặt quả báo y như vậy.

Nguồn bài Thư Viện Hoa Sen

Files

Tâm trạng của bạn với nội dung này là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow

Kinh nghiệm sống Con người chỉ có tìm sự trợ giúp từ chính bản thân mình. Trên đời này không có người nào có thể dựa vào được, chỉ có thể dựa vào chính mình.