3 điều không nên làm trong tháng 7 âm lịch
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch thường được gọi là tháng cô hồn, Diêm Vương mở Quỷ môn quan cho ma quỷ tự do lên dương thế và khiến cuộc sống có nhiều rủi ro, xui xẻo. Cho nên vào dịp này, người ta thường sợ sệt và kiêng kỵ rất nhiều điều.
Vậy theo góc nhìn của đạo Phật, chúng ta không nên làm những điều gì? Kính mời quý Phật tử cùng theo dõi lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh qua bài viết dưới đây!
1. Không nên cúng đồ ăn mặn
Trong dân gian có câu: “Trần sao âm vậy”, ý nói đến việc lúc sống ra sao thì chết đi cũng y như vậy. Cho nên, rất nhiều gia đình sát sinh, cúng đồ mặn cho gia tiên tiền tổ. Nếu cúng chay thì sợ vong linh nhạt miệng, ăn không quen. Tuy nhiên, Đức Phật đã khẳng định chúng sinh trong cõi ngạ quỷ có được hưởng thức ăn hay không phụ thuộc vào nghiệp lực và phước phần của họ. Chúng ta cúng tế theo ý mình nhưng chưa chắc họ đã được thọ hưởng.
Trong kinh Tế Đàn, Đức Phật dạy: “Những loại tế đàn nào, này Bà la môn, bò bị giết, dê cừu bị giết, gà heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến bị giết hại. Loại tế đàn ấy, này Bà la môn liên hệ đến sát sinh, ta không tán thán loại tế đàn ấy. Những loại tế đàn có sát sinh như vậy, này Bà la môn, các A la hán và những ai đi trên con đường hướng đến A la hán không có đi đến”. Ở đây, Đức Phật nói tất cả những đàn lễ có sát sinh bò, lợn, gà, trâu,… thì Ngài đều không tán thán đàn lễ đó.
Trong kinh Địa tạng Bồ Tát Bổn Nguyện phẩm 7, Đức Phật dạy những chúng sinh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người thân quyến thuộc chết, nếu có thể làm món chay cúng dường, chí tâm cầu khẩn thì kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích.
Vậy nên, việc sát sinh để cúng lễ tổ tiên sẽ làm chính gia đình và người đã khuất bị tổn hao phước lành.
2. Không nên đốt vàng mã
Trong dịp rằm tháng 7, các gia đình thường đốt vàng mã: áo quần, tiền vàng, nhà xe,… ”gửi” xuống “cõi âm” để ông bà, tiên tổ đã khuất có cuộc sống đầy đủ, sung túc. Tập tục này xuất phát từ tâm nhớ ơn cội nguồn, sống hiếu nghĩa của dân tộc Việt ta. Nhưng theo quan điểm của đạo Phật, đốt vàng mã thực sự không mang lại lợi ích cho những người đã khuất.
Trong kinh “Ngạ Quỷ Ngoại Bức Tường”, Đức Phật dạy:
“Chốn kia không có cấy cày đâu,
Cũng chẳng hề nuôi súc vật nào,
Buôn bán như đây đều chẳng có,
Cũng không đổi vật lấy vàng trao.
Bên kia thế giới các vong linh
Nhờ vật cúng dường để dưỡng sinh,
Như nước đổ từ trên núi xuống
Cúng dường nuôi ngạ quỷ thân tình”.
Ở cõi ngạ quỷ không có buôn bán trao đổi, cấy cày, trồng trọt, không có nơi mua sắm, ngân hàng, xóm chợ. Cho nên chúng ta đốt vàng mã thì cõi ấy cũng không mua sắm được. Đức Phật khẳng định rõ, cõi vong linh nhờ vật thực, tịnh tài của người thân cúng dường Tam Bảo mà được thọ hưởng no đủ.
Vì vậy, mỗi gia đình không nên đốt vàng mã mà cần biết tác phước cúng dường, bố thí, làm việc thiện để hồi hướng phước báu cho quyến thuộc trong cõi ngạ quỷ. Phước báu đó mới là “tiền”, là “thức ăn” giúp quyến thuộc no đủ, an lạc.
3. Không nên tranh cướp đồ cúng cô hồn
Cũng vào dịp tháng 7 âm lịch, các gia đình Việt thường thực hiện nghi thức cúng cô hồn để cúng tế cho các vong linh, ngạ quỷ phiêu bạt, không nơi nương tựa. Sau khi làm lễ cúng, nhiều gia đình thường ném đồ cúng và tiền cho những người chờ đợi ở bên ngoài để họ tranh cướp. Có khá nhiều ý kiến phản đối nhưng cũng có ý kiến đồng tình với tục lệ này. Họ nghĩ rằng, tranh cướp đồ cúng không phải vì thiếu thốn mà để cho vui và được nhiều tài lộc, may mắn.
Theo góc nhìn của đạo Phật, việc giật đồ cúng cô hồn không đem lại lợi ích cho người nhận đồ bố thí và người cúng thí.
Trước hết, đối với người nhận đồ bố thí, khi tranh giành, chen lấn, chèn ép nhau để giành đồ cúng thì hạt giống tham lam, tranh đấu, cướp giật đang được gieo vào trong tâm hồn của họ. Không những thế, việc làm trên cũng khiến cho tâm tham, tranh đấu, cạnh tranh cũng được tăng trưởng. Đây đều là những hạt giống tâm bất thiện, sau này sẽ trổ những quả không tốt.
Còn đối với người cúng thí, khi nhìn thấy mọi người xúm nhau vào nhặt rồi tranh cướp, đánh nhau, mình lại vui, lại cười. Như vậy là đang gieo nhân bàng quan trước khổ đau của mọi người. Sau này sẽ bị sinh vào những chỗ đau khổ mà không được người ta cứu. Bên cạnh đó, người cúng thí dễ sinh tâm kiêu mạn, xem thường những người nhận đồ bố thí, cho họ là những người đói khát, mọi rợ và tự cho mình là cao quý hơn. Theo lời Đức Phật dạy, kiêu mạn thì tổn hao phước báu và kiếp sau sẽ bị sinh xứ vào chỗ thấp kém.
Cho nên, việc tranh cướp đồ cúng cô hồn là không đúng với tinh thần đạo Phật cũng như không mang lại phước báu và lợi ích cho người cúng thí và người nhận thí.
Hy vọng qua bài viết, quý Phật tử có được tri kiến đúng đắn về những điều không nên làm trong tháng 7 âm lịch cũng như cả năm, để từ đó ứng dụng vào cuộc sống và đạt được nhiều lợi ích tốt đẹp theo đúng giáo lý nhân quả của đạo Phật.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh
Theo phatgiao
Tâm trạng của bạn với nội dung này là gì?
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |